Huawei âm thầm công bố tiến trình 5nm giữa lúc bị Mỹ cấm vận, vẫn dựa trên công nghệ DUV

Huawei âm thầm công bố tiến trình 5nm giữa lúc bị Mỹ cấm vận, vẫn dựa trên công nghệ DUV

Chính phủ Mỹ trong hai tháng qua hẳn cũng đã có phần bất ngờ khi SMIC và Huawei công bố con chip Kirin 9000s dựa trên tiến trình 7nm, thứ đáng lẽ ra không thể khả thi nếu chỉ dựa trên công nghệ quang khắcDUV với những thiết bị mà SMIC hiện giờ đang có, thay vì những cỗ máy quang khắc EUV tân tiến nhất, nhưng bị cấm xuất khẩu theo quy định cấm vận mà phía Mỹ đưa ra.

Bất ngờ mới nhất, đó là Huawei cùng SMIC vừa âm thầm tuyên bố đã bắt đầu giai đoạn gia công bán dẫn 5nm.

Mùa thu năm nay, Huawei ra mắt chiếc máy Mate 60 tại thị trường quê nhà, chiếc điện thoại đầu tiên của hãng được trang bị SoC gia công trên tiến trình 7nm, theo tuyên bố chính thức của Huawei. Đương nhiên sức mạnh của con chip Kirin 9000s bên trong Mate 60 không thể so sánh được với những SoC flagship mà Qualcomm và MediaTek tạo ra cho thế giới điện thoại Android hiện tại. Thứ khiến thị trường, các nhà phân tích và cả những nhà quản lý tại Mỹ bất ngờ là khả năng gia công tiến trình 7nm, dựa trên những trang thiết bị mà SMIC hiện giờ đang sở hữu.

Kirin 9000s không chỉ đơn thuần là một tuyên bố đơn lẻ về khả năng tự chủ ngành bán dẫn của Trung Quốc. Lý do là vừa rồi, Huawei vừa giới thiệu tiếp con chip Kirin 9006c, gia công trên tiến trình 5nm. Chip này sở hữu 8 nhân CPU kiến trúc ARM, 4 nhân A77 và 4 nhân A55, xung nhịp tối đa 3.13 GHz.

Kirin 9006c 5nm hiện tại chỉ có mặt trong chiếc laptop Qingyun L540, và hoàn toàn có thể xuất hiện trong những thiết bị khác của Huawei trong tương lai.

Phải tới khi Kirin 9000s ra mắt, Huawei mới trở lại được vị thế của họ như hồi năm 2020.

Thời điểm ấy, khi chưa có những quy định cấm vận, không cho phép các tập đoàn Mỹ, hay mọi đơn vị gia công bán dẫn sử dụng công nghệ do Mỹ tạo ra làm việc với Trung Quốc, thì TSMC vẫn là đối tác gia công những đơn hàng SoC điện thoại Android cao cấp cho Huawei, hay đúng hơn là HiSilicon. Đúng hơn thì TSMC cũng chính là cái tên phục vụ đa số đơn hàng chip xử lý tiến trình hiện đại nhất cho Trung Quốc, Huawei chỉ là khách hàng lớn nhất của họ tại Trung Quốc mà thôi.

Tới thời điểm có những quy định cấm vận đầu tiên, Trung Quốc chuyển hướng tập trung tự chủ công nghệ chip bán dẫn nội địa. Đến năm 2022, phía Mỹ có thêm những quy định mới, cấm các đơn vị sản xuất thiết bị gia công bán dẫn từ Nhật Bản đến Hà Lan không được xuất khẩu những cỗ máy quang khắc EUV. Vậy là hầu hết những cỗ máy gia công quang khắc bán dẫn ở Trung Quốc đều chỉ dừng lại ở công nghệ cũ DUV.

Trên lý thuyết thì rất khó để sản xuất chip 7nm dựa trên công nghệ DUV, nên sự hiện diện của Kirin 9000s thực sự là một bất ngờ. Làm được là một chuyện, còn quy trình, chi phí và tỷ lệ chip đạt chuẩn trên mỗi tấm silicon lại là những vấn đề khác của tiến trình 7nm và 5nm DUV. Ấy còn chưa kể tới rắc rối nữa, đó là ASML Hà Lan chỉ được phép bán những chiếc máy quang khắc DUV cho Trung Quốc đến hết năm 2023. Khi những thiết bị hết thời hạn sử dụng, chưa rõ phía Trung Quốc sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào.

Theo ExtremeTech



0 Nhận xét

📢 Tin khuyến mãi

🔰 Là gì?

👜 Mua sắm

♻ Mẹo vặt

🏛 Kinh nghiệm